Để quản lý và phân bổ biên chế sự nghiệp, căn cứ các quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức. Công tác quản lý nhà nước về biên chế sự nghiệp luôn được chú trọng và tăng cường. Cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng viên chức sự nghiệp ngày càng hoàn thiện hơn. Ngày 25/9/2008 UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND về phân cấp quản lý viên chức trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 13/8/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, viên chức ngày càng đông về số, mạnh về chất; cơ bản bảo đảm về tiêu chuẩn, phù hợp với chức danh công việc và yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ; việc bố trí, sắp xếp hợp lý đã phát huy tốt năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 245/QĐ-UBND ngày 30/3/2007 về xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế trong tỉnh, theo đó, trong số 22 bệnh viện và trung tâm y tế trong tỉnh có 03 đơn vị hạng II, 08 đơn vị hạng III và 11 đơn vị hạng IV. Trên cơ sở đó Sở Y tế phân bổ chỉ tiêu biên chế cụ thể cho các đơn vị sự nghiệp y tế. Trong lĩnh vực giáo dục, ngày 04/11/2011 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1714/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đến năm 2020. Đây là tiền đề rất quan trọng cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh hiện nay và sắp tới. Đề án sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn Thành phố Cà Mau đang triển khai thực hiện. Kết quả bước đầu đã sắp xếp, bố trí hợp lý, giảm bớt số giáo viên dôi dư; từng bước chuẩn hóa, nâng chất đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở các cấp học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được quan tâm, nhất là đào tạo trình độ đại học và sau đại học, đào tạo nâng cao tay nghề... Từ năm 2010 đến nay Bệnh viện Cà Mau, Bệnh viện sản nhi tỉnh đưa đi đào tạo, bồi dưỡng 558 lượt cán bộ, viên chức ở các trình độ; Ở huyện Cái Nước giáo viên bậc tiểu học có trình độ đại học, cao đẳng chiếm trên 50%; tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ cán bộ, giáo viên chiếm số đông (859/1063 người)…
Tuy nhiên, định mức biên chế sự nghiệp y tế được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ chưa được cụ thể hóa bằng văn bản của cấp có thẩm quyền ở địa phương nên các đơn vị sự nghiệp gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi xây dựng kế hoạch biên chế và khi đề xuất chỉ tiêu biên chế thì mỗi nơi làm mỗi khác. Theo báo cáo của Bệnh viện Cà Mau, Bệnh viện Sản – Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực Cái Nước định mức biên chế được giao hàng năm ở các đơn vị này còn thấp, chỉ đạt tỷ lệ từ 1,1 đến 1,2 biên chế/giường bệnh. Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV định mức này cho phép từ 1,25 - 1,4 (làm việc theo giờ hành chính) và từ 1,5 - 1,6 (làm việc theo ca). Do biên chế giao chưa đủ, nên các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí nhân lực để triển khai các hoạt động. Thực tế nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở tình trạng quá tải, nhưng số lượng biên chế được phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu, việc quản lý chưa chặt chẽ. Trong lĩnh vực giáo dục cũng có tình trạng tương tự. Đã qua phần lớn các trường học và Phòng Giáo dục – Đào tạo các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm của mình; có đề xuất về định mức biên chế giáo viên và cán bộ quản lý theo quy định; xác định được tình hình thừa, thiếu giáo viên và nhu cầu biên chế từng thời điểm…. Nhưng kế hoạch có được cấp có thẩm quyền chấp nhận (phê duyệt) hay không thì hầu như chưa được quan tâm.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do các đơn vị sự nghiệp chưa có kế hoạch biên chế được duyệt. Một điều đơn giản là theo luật định, việc quyết định về biên chế phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định, không phải theo ý muốn chủ quan của bất cứ ai. Trong lĩnh vực y tế, do chưa nắm vững và đầy đủ các quy định nên đơn vị sự nghiệp chưa đề xuất được định mức cụ thể biên chế của mình là bao nhiêu? Chưa phân định rõ số biên chế làm việc theo giờ hành chính, làm việc theo ca là bao nhiêu? (Định mức biên chế theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV chỉ là quy định khung). Đơn vị sự nghiệp chưa làm đầy đủ các quy trình, thủ tục để được phân bổ biên chế phù hợp và nhanh chóng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời hướng dẫn, kiểm tra để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đơn vị sự nghiệp.
Thiết nghĩ, trong quản lý và phân bổ biên chế sự nghiệp nói chung và trong lĩnh vực y tế - giáo dục nói riêng, cần thiết phải tính đến nhu cầu biên chế thực tế và hợp lý của từng đơn vị sự nghiệp. Để quản lý chặt chẽ và phân bổ hợp lý biên chế sự nghiệp, điều quan trọng là dựa trên các quy định của pháp luật, từng cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền cần tổ chức khảo sát, xác định rõ yêu cầu thực tế của các đơn vị sự nghiệp trên cơ sở đề án chức danh công việc. Xây dựng cơ chế phân bổ hợp lý; cụ thể hóa các quy định còn mang tính chất “khung” để phù hợp với điều kiện đặc thù của từng lĩnh vực, từng đơn vị sự nghiệp. Cần thiết phải có chương trình, kế hoạch biên chế cụ thể hàng năm; xác định đúng thẩm quyền quản lý của mình để tránh sự chồng chéo, trùng lắp và tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt nhất.
Nguyễn Sơn Ca